Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

Lời mẹ dặn





Phùng Quán


 Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn,

Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn,
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
- Con ơi –
trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.

- Mẹ ơi, chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
- Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc cứ khóc.

Yêu ai cứ bảo là yeeu
Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.

Từ đấy người lớn hỏi tôi:
- Bé ơi, bé yêu ai nhất?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời:
- Bé yêu những người chân thật.

Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không! Những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vời,
In lên vết son đỏ chói.

Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thủa lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đó.

Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.

Yêu ai cứ bảo là yeu
Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.

Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Chân thật chọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn trên đá.



1957


--------------



Lời mẹ dặn - Video




---------------------------------



Hình ảnh dùng dao viết văn lên đá mà Phùng Quán đưa ra thật bi tráng, đẹp và gân guốc đến rợn người. Rất nhiều người cảm nhận bài thơ này qua cách nghĩ: Phùng Quán tha thiết đến sự thẳng thắn trong mọi tình huống giữa cuộc đời này. Thế nhưng đối với dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu thì bài thơ mang đậm tính phản kháng, trực tiếp chạm đến một nhân vật mà ai cũng biết, đó là chủ tịch Hồ Chí Minh, ông nhận xét:

Bài Lời Mẹ Dặn nó có một ý nghĩa lớn. Đối với Phùng Quán, với tôi và rất nhiều người bởi vì bài thơ ấy ông viết năm 25 tuổi thôi nhưng anh đã nói những điều đại kỵ đối với miền Bắc trong ấy có bốn câu “Yêu ai cứ bảo là yêu ghét ai cứ bảo là ghét. Dù ai ngon ngọt nuông chiều cũng không nói yêu thành ghét. Dù ai cầm dao dọa giết cũng không nói ghét thành yêu”.Những câu này trực tiếp nhắm vào Hồ Chí Minh và nhắm vào giáo dục miền Bắc tức là không ai yêu Hồ Chí Minh cả nhưng mà từ nhỏ tới lớn mọi người được dạy là ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng? Cái câu của Phùng Quán bảo “Yêu ai cứ bảo là yêu ghét ai cứ bảo là ghét là câu chạm nọc họ kinh khủng lắm.


 Cho nên đến năm 1995 thì họ muốn xoa dịu những người trong Nhân Văn Giai Phẩm, họ hứa in cho mỗi người một tập thơ và 5 triệu tiền nhuận bút thế nhưng họ bảo với Phùng Quán là phải bỏ bài thơ “Lời Mẹ Dặn” ra, Phùng Quán nhất định không chịu và sau khi ông chết họ mới chịu in cho ông tập thơ này.

 Bài thơ mang tên “Tôi chỉ viết trên giấy có kẻ giòng” là một tuyệt tác khác của ông. Khái niệm ngay thẳng được ông áp dụng trên từng trang giấy. Thẳng và sạch trước khi nói đến chuyện viết từng con chữ xuống trang giấy trắng tinh. Giấy kẻ giòng là một cách nói nhưng ông thuyết phục được người đọc về thái độ nghiêm cẩn gìn giữ những điều mà ông cho là chân lý đối với một nhà văn, nhất là nhà văn trong thời đại đầy hàng giả, chỉ sống còn khi biết tâng bốc và cúi đầu.

 http://lexuanquang.org/post/488/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét