Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

Vụ đất nhà thờ Cầu Rầm: Giáo hạt Cầu Rầm khiếu nại

Sau sự kiện hàng ngàn giáo dân kéo đến phản đối việc xây dựng trên đất nhà thờ Cầu Rầm ngày 23/5/2010, nhà cầm quyền Nghệ An có phản ứng dè dặt.

Ngày 02/6/2010, lợi dụng một trận mưa lớn và và sự vắng mặt của linh mục quản xứ Cầu Rầm, người ta đã thuê nhóm 'quần chúng tự phát' đến tháo dỡ cờ và các băng rôn. Một số giáo dân bức xúc định manh động, nhưng sau khi nhận được điện đàm từ linh mục quản xứ, giáo dân đã giữ được bình tĩnh.

Mới đây, nhà cầm quyền Nghệ An có động thái mới là sẽ chuyển cho Công ti Cổ phần Trường Giang Sài Gòn một khu đất khác, và đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách để xây dựng khu vui chơi giải trí tại khu đất của nhà thờ Cầu Rầm.

Để phản đối kế hoạch này, ngày 23/9/2010 các linh mục hạt Cầu Rầm - Anton Hoàng Sĩ Hướng, Đaminh Phạm Xuân Kế, Gioan Phạm Quang Long và Giuse Nguyễn Anh Tuấn - đã họp khẩn cấp và viết chung một đơn khiếu nại như sau:


GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
Giáo phận Vinh
Giáo hạt Cầu Rầm                                                       
Số: 09/HCR/10                           

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
      Độc lập – Tự do – Hạnh phúc    

                                                                                  
                                         Cầu Rầm, ngày 29 tháng 9 năm 2010

ĐƠN KHIẾU NẠI
V/v: Đất nhà thờ Cầu Rầm
(Tiếp theo đơn khiếu nại ngày 25/4/2010)

Kính gửi:       - UBND tỉnh Nghệ An;
                    - Ban tôn giáo tỉnh Nghệ An;
                    - Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An;
                    - Sở Địa chính tỉnh Nghệ An;
                    - UBND thành phố Vinh;
                    - UBND phường Cửa Nam
                    - Đơn vị chủ đầu tư và thi công công trình trên đất nhà thờ Cầu Rầm.

Giáo hạt Cầu Rầm chúng tôi vừa nhận được công văn số 2420 / UBND-NV, đề ngày 05/08/2010 của UBND thành phố Vinh (viết tắt: CV 2420): “V/v trả lời đơn của giáo hạt Cầu Rầm khiếu nại đòi lại đất nhà thờ Cầu Rầm”, nay chúng tôi, các linh mục và toàn thể giáo dân thuộc giáo hạt Cầu Rầm, Giáo phận Vinh, có ý kiến như sau:

1. Qua CV số 2420, UBND thành phố Vinh thừa nhận rằng: Khu đất mà Công ty Cổ phần Trường Giang Sài Gòn đang xây dựng khu thương mại và văn phòng cho thuê vốn là đất nhà thờ Cầu Rầm.“Khu vực nhà thờ xứ Cầu Rầm trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã bị đánh sập, chỉ còn lại một nhà phòng 2 tầng bị hư hỏng nặng” (Cv 2420). Quả thật, đất nhà thờ Cầu Rầm có từ khi thành lập xứ (năm 1888), liên tục tồn tại cho đến hôm nay. Đây là một bằng chứng lịch sử không ai chối cãi. Đây còn là trụ sở hạt Cầu Rầm với trên 20381 giáo dân, gồm các giáo xứ: Cầu Rầm, Trang Cảnh, Mỹ Dụ, Kẻ Gai và Yên Đại.

2. CV 2420 viết: “Ngày 12/10/1976, cụ Nguyễn Duy Thường – Linh mục quản xứ Cầu Rầm và Ban hành giáo xứ Cầu Rầm do ông Bá Đình Loan làm trưởng ban đã chuyển nhượng khu đất và tài sản trên đất của giáo xứ cho hợp tác xã Hợp Đức”. Đây là một kết luận không đúng sự thật và thiếu căn cứ, vì:

2.a. Linh mục Nguyễn Duy Thường không bán đất nhà thờ Cầu Rầm vì thực tế không có hành vi đó. Trước hàng ngàn dân và trước các nhân chứng hiện tại, người ta không tìm được bằng chứng nào xác nhận được là linh mục Nguyễn Duy Thường chuyển nhượng đất nhà thờ.

2.b. Tại Điều 1273 – Thiên 2, Quyển V của Bộ Giáo Luật 1983 (Nhà Xuất bản Tôn giáo năm 2007) quy định rõ rằng: “Đức Thánh Cha là người quản trị và phân phối tối cao của tất cả Các tài sản của Giáo hội”.  Điều 1277 của Bộ Giáo Luật quy định: Giám mục giáo phận phải tham khảo ý kiến của Hội đồng Kinh tế và Ban Tư vấn để thực hiện những hành vi quản trị, và trong hành vi quản trị ngoại thường, ngài cần có sự ưng thuận của Hội đồng Kinh tế và Ban Tư vấn". Như vậy, theo giáo Luật thì Linh Mục Nguyễn Duy Thường không có quyền và không thể chuyển nhượng đất của Giáo hội.

2.c. Pháp Lệnh Tôn Giáo 2004, Tại Điều 26, Chương IV quy định về tài sản của tôn giáo thì: “Tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ, nghiêm cấm việc xâm phạm tài sản đó”. Điều 28 quy định “Các Tổ chức tôn giáo được quyền nhận các tài sản hiến, tặng” nhưng không đề cập đến việc Tổ chức tôn giáo hoặc đại diện có thể chuyển nhượng hoặc hiến tặng tài sản cho cá nhân hoặc tổ chức khác. Mặt khác Khoản 2 Điều 117 Luật đất đai quy định “Cơ sở Tôn giáo không được quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng quyền sử dụng đất”. Đây là những quy định quan trọng trong diễn giải luật nhằm mục đích ngăn chặn các hành vi chuyển nhượng bất hợp pháp tài sản của Giáo hội trái pháp luật và gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Điều này có nghĩa là, theo luật pháp hiện tại của Nhà nước CHXHCN Việt Nam thì nếu như linh mục Nguyễn Duy Thường có sống lại và thực hiện việc chuyển nhượng cho Nhà nước hoặc cho bất cứ ai thì cũng không phù hợp với Luật pháp do chính Nhà nước ban hành.

3. Cv 2420 nại đến Quyết định số 1226/QĐ-TTg thu hồi lại khu đất của HTX Hợp Đức, ngày 24/12/1999. Chúng tôi khẳng định rằng: Một khi đã không có sự chuyển nhượng hợp pháp khu đất của giáo hạt Cầu Rầm cho HTX Hợp Đức, thì việc thu hồi khu đất nhà thờ Cầu Rầm trên danh nghĩa của HTX Hợp Đức, hoặc bất cứ một quyết định nào trái với quyền sử dụng của giáo hạt Cầu Rầm đều bất hợp pháp và vô giá trị.

4. Từ sau năm 1975, giáo xứ Cầu Rầm đã nhiều lần làm đơn thư đề nghị mong được khôi phục các công trình của mình, để phục vụ lợi ích chính đáng của giáo dân mà không được chính quyền đồng ý.

Năm 1998, vì nhu cầu thúc bách, giáo dân đã phải cầu nguyện giữa cảnh hoang tàn, trên phần đất nhà thờ của họ. Cv 2420 nêu: “xét nguyện vọng chính đáng của linh mục, giáo dân, giáo xứ Cầu Rầm xin đất để xây dựng nhà thờ, UBND tỉnh Nghệ An đã giới thiệu 3 địa điểm để giáo xứ lựa chọn, đó là: khu đất xí nghiệp điện cơ; khu đất hiệu kem Tâm Đồng; và khu Kho Vòm của Công ty xây dựng I. Đại diện Tòa Giám Mục Xã Đoài lúc bấy giờ là giám mục Trần Xuân Hạp và linh mục quản xứ Cầu Rầm Nguyễn Văn Khôi đã chọn địa điểm xin đất để xây dựng nhà thờ là khu Kho Vòm của Công ty xây dựng I, tức nhà thờ xứ Cầu Rầm hiện nay”. Rõ ràng việc cấp đất cho giáo xứ Cầu Rầm xây dựng nhà thờ hiện tại là cấp theo nhu cầu, nhằm thoa dịu sự căng thẳng nơi giáo dân và việc giám mục Trần Xuân Hạp và linh mục quản xứ Cầu Rầm Nguyễn Văn Khôi đã chọn khu Kho Vòm để xây dựng nhà thờ Cầu Rầm hiện nay là thay vì hai địa điểm kia (khu đất xí nghiệp điện cơ; khu đất hiệu kem Tâm Đồng) mà UBND tỉnh giới thiệu để cấp, chứ không thể thay thế khu đất lịch sử của giáo hạt Cầu Rầm có từ thế kỷ 19 này được. Đất nhà thờ hạt Cầu Rầm vẫn còn đó, hiện chưa được giải quyết để đảm bảo quyền lợi của giáo dân và đảm bảo công bằng theo pháp luật. Vậy, Cv 2420 nói: “vấn đề đất nhà thờ Cầu Rầm cũ đã được giải quyết dứt điểm năm 1998” là không đúng, thiếu cơ sở pháp lý.

5. Việc Công ty cổ phần Trường Giang Sài Gòn tiến hành xây dựng “Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê” (Cv 2420) trên khu đất của giáo hạt Cầu Rầm nếu không muốn nói nhằm tư nhân hóa để tìm tư lợi” thì cũng không thể tìm từ ngữ khác để diển tả mục đích xây dựng của Công ty. Không thể do nguồn vốn ngân sách hạn hẹp” (Cv 2420) mà sẵn sàng bán đất của một tập thể tôn giáo có hàng trăm năm lịch sử cho tư nhân kinh doanh đượcĐiều này đã vi phạm pháp luật Việt Nam về “tôn trọng và bảo vệ tự do tín ngưỡng, tôn giáo”; đồng thời, “làm bùng phát sự bất bình trầm trọng và khó kiểm soát trong cộng đồng giáo dân, vì phạm đến quyền lợi của cả một cộng đồng tôn giáo, không chỉ giáo xứ, giáo hạt Cầu Rầm mà cả giáo phận Vinh”.

6. Về việc Tỉnh định dùng ngân sách nhà nước để tiếp tục xây dựng trên khu đất nhà thờ Cầu Rầm (Cv 2420), chúng tôi có ý kiến như sau:

- Giáo hạt Cầu Rầm nhất quyết phản đối mọi hoạt động trái với quyền sử dụng của giáo hội trên khu đất của giáo hạt vì chúng tôi vẫn khẳng định mảnh đất đó đang là sở hữu của giáo hạt Cầu Rầm và lớn hơn là của Giáo hội Công giáo Việt Nam.

- Đây là sự đối phó thiếu thiện chí chứ không phải đáp ứng quyền lợi chính đáng của dân, vì từ đầu, Cv 2420 đã cho biết: “nguồn vốn ngân sách hạn hẹp”. Nếu dùng tiền thuế của dân để đổ vào việc xây dựng vốn gây nhiều tranh cãi, trên khu đất nhà thờ này, nhất định sẽ không có hiệu quả, như hàng chục năm nay đã thấy và một lần nữa làm bùng phát sự bất bình trầm trọng, không chỉ từ phía giáo dân mà cả nhân dân trong vùng.

7. Cũng cần nói thêm một số vấn đề khác liên quan đến địa điểm nhà thờ đang sử dụng hiện nay là UBND thành phố Vinh không chịu giải tỏa mặt bằng như chỉ thị của UBND tỉnh Nghệ An khi cấp đất cho nhà thờ Cầu Rầm năm 1998 (Chúng tôi sẽ đề cập đầy đủ trong một đơn thư khác). Cụ thể:

- Càng ngày lượng người đổ về thành phố làm việc, du lịch và học hành càng đông. Mỗi ngày Chúa Nhật, khuôn viên nhà thờ không đủ chỗ cho giáo dân đứng dự lễ và đỗ xe; đường ra vào nhà thờ chật hẹp quá đáng, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng;

- UBND thành phố Vinh vẫn tiếp tục cho kinh doanh Bến vật liệu xây dựng (cát, sạn…) ngay trước cửa nhà thờ, hoạt động cả ngày lẫn đêm, suốt 12 năm qua, gây ô nhiễm môi trường, làm thiệt hại trầm trọng về sức khỏe và danh dự của một cộng đồng tôn giáo.

Điều này cho thấy, quyền lợi của dân chưa được bảo vệ, pháp luật còn bị vi phạm từ phía nhà cầm quyền và người dân thấy mình bị lừa dối.

Như vậy, cả về mặt pháp lý và thực tế, khu đất được đề cập trong đơn này là Đất Thánh, đất của Giáo hội Công Giáo, đến nay vẫn thuộc quyền sử dụng của giáo hạt Cầu Rầm, chưa hề được bán, tặng, chuyển nhượng hoặc bất kỳ hình thức chuyển đổi nào khác, cho bất cứ ai.

Vì thế, mọi hoạt động chiếm hữu, sử dụng và định đoạt khu đất đó nếu không được sự đồng ý bằng văn bản, theo quy định của pháp luật từ phía giáo hạt Cầu Rầm và Toà Giám mục giáo phận Vinh đều bất hợp pháp và không thể chấp nhận trong một Nhà nước pháp quyền.

Do đó, Chúng tôi viết đơn này tha thiết yêu cầu:

1/ Các cơ quan liên quan đình chỉ vĩnh viễn các hoạt động trái pháp luật của bất cứ cá nhân, tổ chức nào xâm phạm đất đai của giáo hạt Cầu Rầm.

2/ Làm rõ trách nhiệm pháp lý của tổ chức, cá nhân đã ngang nhiên chiếm đoạt đất đai của giáo hạt Cầu Rầm, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư và làm lãng phí ngân sách nhà nước.

3/ Trả về nguyên trạng và trả lại khu đất nói trên cho giáo hạt Cầu Rầm theo quy định của Pháp luật, để chúng tôi sử dụng vào mục đích chung, phục vụ cộng đồng tại thành phố Vinh.

Trân trọng đề nghị và chân thành cám ơn!

Thay mặt hơn 20.381 giáo dân giáo hạt Cầu Rầm
                                                                                     
Linh mục quản hạt:
Hoàng Sỹ Hướng
(đã ký và đóng dấu)

Linh mục quản xứ Yên Đại và Trang Cảnh:
Phạm Xuân Kế

Linh mục quản xứ Mỹ Dụ:
Phạm Quang Long

Linh mục quản xứ Kẻ Gai:
Nguyễn Anh Tuấn

--------------------------------

Nơi gửi:       - Như trên    
                      - Toà Giám mục
                      - Lưu văn phòng các xứ trong hạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét